Thứ Tư, 30 tháng 12, 2009

Cảm tác truyên Cô Bé Bán diêm của ANDERSEN






Thương cô bé
bán diêm

Trong vô cùng
tiếng chuông ngân
đất trời,cây cỏ
như gần nhau hơn !
đêm đông
bỗng lấp lánh hồng
mỗi que diêm sáng
bềnh bồng cỏi mơ
linh hồn cô bé
phất phơ ...
có bà-có chúa
bé còn bơ vơ ?



lớp9
đinhlộc

Thứ Tư, 23 tháng 12, 2009

Mừng GIÁNG SINH


Libera-Silent Night

Crosby-Like Christmas


Nguồn gốc của Giáng Sinh,
Cây thông và Ông già Nô-En

Lễ Giáng-Sinh là lễ kỷ-niệm ngày sinh-nhật của Chúa Jesus. Tuy lễ Giáng-Sinh là ngày lễ của những người theo đạo Thiên-Chúa, nhưng cứ đến ngày lễ này thì mọi người, bất cứ theo đạo nào, cũng được hưởng niềm vui tự-nhiên do không khí Giáng-Sinh mang lại.Không phải chỉ những người tin theo đạo Thiên-Chúa mới đi lễ nhà thờ, chăng đèn kết hoa trước nhà, và trưng-bầy cây Nô-En (Noel) trong phòng khách mà mọi người dù theo bất-cứ đạo nào cũng tổ-chức ăn-mừng lễ Giáng-Sinh. Người người đều vui, cảm-thông, và hưởng trọn niềm ấm-cúng thanh-bình cùng yêu thương trong mùa Giáng-Sinh đầy hy-vọng vì Mùa Giáng-Sinh đã tạo cơ-hội giúp mọi người bỏ hết những hận-thù và ích-kỷ nhỏ-nhen nếu có mà họ không thể thực-hiện trước đó được.Có rất nhiều người cảm-thông ý-nghĩa của mùa Giáng-Sinh một cách tự-nhiên mà không thắc-mắc hay băn-khoăn gì. Nhưng nếu tìm-hiểu thêm ý-nghĩa của Lễ Giáng-Sinh, Cây Nô-En, và Ông Già Nô-En, chúng ta sẽ thấy thú-vị vô cùng.
I. Lễ Giáng-Sinh
Tiếng Anh gọi Lễ Giáng-Sinh là Christmas, tiếng Anh cổ thời xưa gọi Lễ Giáng-Sinh là Cristes Maesse. Từ Cristes Maesse có nghĩa ngày lễ của Chúa (Christ’s Mass). Ngày Lễ Giáng-Sinh được tổ-chức vào 25 Tháng 12 dương-lịch để kỷ-niệm ngày sinh của Chúa Jesus Christ và được coi là ngày nghỉ lễ chính-thức của các nước có người theo đạo Thiên-Chúa.Câu truyện về ngày sinh của Chúa Jesus có tên bằng tiếng Anh là Nativity. Chúa Jesus do Đức Mẹ Đồng-Trinh tự-nhiên mang thai mà sinh ra. Sự thụ-thai này do quyền-lực thần-diệu của Thượng-Đế tạo ra trong khi bà Mary còn đồng-trinh. Chúa Jesus được sinh ra trong một chuồng ngựa (stable) tại Bethlehem và được đặt trong máng cỏ (manger) vì lúc đó trong nhà trọ (inn) không còn một phòng trống nào. Sau đó, Chúa Jesus được Đức Mẹ Mary và chồng của bà là Joseph nuôi-nấng tại Nazareth, một thành phố ở phía bắc Israel. Khi được 12 tuổi, Chúa Jesus đến giáo-đường ở Jerusalem và đã làm kinh-ngạc các giáo-sư về môn Mosaic Law với sự hiểu biết của ngài.Khi lớn lên, Chúa Jesus chọn được 12 người Tông-Đồ cùng ngài đi khắp nơi ở Palistine để giảng đạo, chữa bệnh, và thực-hiện các phép-lạ. Một trong những phép-lạ đó là phép “Loaves and Fishes”(những ổ bánh mì và những con cá). Chuyện phép-lạ này được người ta truyền lại là khi Chúa Jesus thuyết-giảng ở một đám đông trong lúc họ rất đói, người ta chỉ tìm thấy 5 ổ bánh mì và 2 con cá. Thế mà nhờ Chúa Jesus làm phép trên 5 ổ bánh mì và 2 con cá này rồi ra-lệnh cho các đệ-tử của ngài phân-phát đồ ăn cho tất cả mọi người. Sau khi mọi người được phát đầy-đủ đồ ăn và ăn một cách no- nê, người ta thấy 12 chậu đồ ăn vẫn còn đầy.Nhờ việc đi rao giảng lời của Thượng-Đế, ngài đã có rất nhiều tín-đồ và đồng-thời cũng có nhiều kẻ thù. Cuối cùng, Chúa Jesus bị tên Judas Iscariot phản-bội, bị Pontius Pilate – người lãnh-đạo dân Do-Thái lúc bấy giờ kết-án, và bị chính-quyền La-Mã đóng đinh trên thập-tự giá. Những người Thiên-Chúa giáo tin là ngài đã cải-tử hoàn-sinh và sự phục-sinh này đã cứu-vớt được bao linh-hồn.Theo những tài-liệu liên-quan tới ngày sinh-nhật của Chúa Jesus, người ta thấy Chúa Jesus không phải sinh vào ngày 25 tháng 12 mà có thể vào tháng 4 hay tháng 5 và có lẽ trước đó 3 năm, tức là cách đây (2007) là 2010 năm. Tây-lịch được tính theo năm đầu-tiên sau khi Chúa sinh ra đời. Theo niên-giám La-Mã, Lễ Giáng-Sinh đầu-tiên được tổ-chức ở La-Mã vào năm 336 Tây-Lịch Kỷ-Nguyên. Tuy-nhiên, ở miền đông đế-quốc La-Mã, một buổi lễ được tổ-chức vào ngày 6 tháng giêng để kỷ-niệm chung cho ngày sinh-nhật và ngày rửa-tội của Chúa Jesus. Cũng vào ngày 6 tháng giêng này ở Jerusalem thuộc Do-Thái (Israel) người ta chỉ tổ-chức lễ kỷ-niệm ngày sinh-nhật của Chúa mà thôi.Mãi vào thế kỷ thứ IV, hầu-hết các nhà thờ ở miền đông đế-quốc La-Mã mới chấp-nhận tổ- chức sinh-nhật Chúa Jesus Christ vào ngày 25 tháng 12. Trong lúc ấy ở Jerusalem, người ta vẫn chống-đối việc tổ-chức Lễ Giáng-Sinh. Nhưng về sau này, Lễ Giáng-Sinh lại được chấp-nhận ở Jerusalem. Các nhà thờ ở nước Armenia, một nước ở Tây-Á, đã không chấp-nhận Lễ Giáng-Sinh. Họ tổ-chức ngày sinh-nhật của Chúa vào 6 tháng giêng. Sau khi Lễ Giáng-Sinh, 25 tháng 12, được thiết- lập ở miền đông đế-quốc La-Mã, ngày kỷ-niệm lễ rửa-tội của Chúa được tổ-chức vào 6 tháng giêng, ngày mà ba vị thông-thái (Magus) từ miền đông đế-quốc La-Mã đến Bethlehem để chiêm-ngưỡng Chúa Hài-Đồng.Những tục-lệ cổ-truyền về Lễ Giáng-Sinh bắt nguồn từ sự trùng-hợp ngày sinh của Chúa với những ngày lễ kỷ-niệm về nông-tang và mặt trời vào mùa đông (Winter Solstice) của những người không theo đạo Thiên-Chúa.Ở La-Mã, ngày 17 tháng 12 là ngày lễ Saturnalia để kỷ-niệm thần Saturn. Đây là thời-gian ăn chơi tưng-bừng nhất và là dịp để mọi người trao-đổi quà kỷ-niệm. Ngày 25 tháng 12 cũng được coi là ngày sinh-nhật của Thần Mithra, Thần Toàn-Chân Thái-Dương, thuộc xứ Ba-Tư. Năm mới của người La-Mã là ngày 1 tháng giêng dương-lịch. Vào những dịp này người ta trang-hoàng nhà cửa bằng cây lá xanh tươi và hoa đèn rực-rỡ. Trẻ con và người nghèo được trao quà tặng.Lửa, đèn, và nến là vật tượng-trưng của sự ấm-cúng và sự sống, nó luôn-luôn liên-hệ với các lễ-lạc vào mùa đông của cả những người theo đạo Thiên-Chúa và các đạo khác. Từ thời trung-cổ, cây thông, một loại cây vạn-niên-thanh, là biểu-hiệu cho sự sống và luôn-luôn liên-hệ với Lễ Giáng-Sinh.
II. Cây Nô-En
Tiếng Nô-En mà người Việt ta thường dùng bắt nguồn từ chữ Pháp là “Noel” và có nghĩa là Giáng-Sinh. Cây Nô-En có tên bằng tiếng Anh là Christmas Tree. Cây Nô-En thường là cây thông nhân-tạo làm bằng ni-lông (nylon) hay là cây thông thật được chặt ở rừng đem về nhà. Người ta trang- trí cây thông này bằng dây đèn đủ màu cùng với các đồ trang-hoàng khác như giấy bạch-kim để giả làm tuyết-phủ, kẹo xanh trắng đỏ có hình cây gậy ba-toong (candy canes), các gói quà giả, các quả bóng nhỏ đủ màu làm bằng thủy-tinh, hình thiên-thần, và cây thánh-giá, v.v. Cây thông sau khi được trang-hoàng như thế có tên là cây Nô-En. Dưới chân cây Nô-En người ta có các gói quà do những người trong gia-đình mua để tặng cho nhau. Cây Nô-En là một thứ không thể thiếu được trong mùa Giáng-Sinh.Việc dùng cành thông và vòng hoa kết bằng lá xanh (wreath) treo ở mặt ngoài cánh cửa nhà để biểu-lộ sự ước-mong vĩnh-cửu cho đời sống con người là cổ-tục của người Ai-Cập (Egyptian), Trung-Hoa, và Do-Thái. Việc tôn-thờ cây thông và vòng hoa rất được thông-dụng ở Châu-Âu đối với người không theo đạo Thiên-Chúa. Tục-lệ này vẫn còn tồn-tại sau khi họ nhập-đạo Thiên-Chúa.Người ở các nước Thụy-Điển, Đan-Mạch, và Na-Uy, gọi chung là người Scandinavian, thường trang-hoàng nhà-cửa và vựa lúa với các loại cây vạn-niên-thanh vào dịp năm mới để xua đuổi ma-quỉ. Họ còn dựng cây cho chim trú ngụ trong mùa Giáng-Sinh. Phong-tục này còn có ở Đức. Người ta đặt cây Nô-En ngay ở lối ra vào hay ở trong nhà vào những ngày nghỉ lễ giữa mùa đông.Cây Nô-En hiện-đại ngày nay có được là do phong-tục của Tây-Đức. Cái khung-cảnh chính của vở kịch nổi tiếng hồi trung-cổ về sự-tích Ông Adam và Bà Eve là một cây thông có treo những quả táo gọi là Cây Thiên-Đàng tượng-trưng cho Vườn Địa-Đàng (Garden of Eden). Người Đức dựng Cây Thiên-Đàng (Paradise Tree) trong nhà vào ngày 24 tháng 12, ngày hội tôn-giáo, để kỷ-niệm Ông Adam và Bà Eve. Người ta treo những miếng bánh bít-qui (biscuit) gọi là wafers trên Cây Thiên-Đàng tượng-trưng cho dấu-hiệu của Chúa Jesus đứng ra chuộc tội cho nhân-loại. Sau này người ta thay thế bánh Wafers bằng bánh cúc-ki (cookie) có đủ hình-dáng khác nhau. Cả những cây đèn-cầy hay nến cũng được dùng làm biểu-tượng của Chúa đứng ra chuộc tội cho nhân-loại.Trong cùng một phòng có trưng-bày cây Nô-En vào mùa Giáng-Sinh, người ta còn dựng một Kim-Tự-Tháp Giáng-Sinh (Christmas Pyramid). Đây là một cấu-trúc bằng gỗ hình tam-giác với các kệ để đồ (shelves). Bên trên các kệ này có bày các pho-tượng nhỏ và trang-trí bằng cây vạn-niên-thanh, đèn cầy, và một ngôi sao. Vào khoảng thế-kỷ thứ 16 thì Christmas Pyramid và Paradise Tree được kết-hợp lại thành cây Nô-En (Chistmas Tree). Phong-tục này đã được thịnh-hành trong giáo-phái Tân-Giáo của Luther ở Đức vào thế-kỷ thứ 18. Nhưng mãi tới một thế-kỷ sau đó, cây Nô-En mới ăn rễ sâu vào truyền-thống của người Đức.Cây Nô-En được du-nhập vào đất Anh từ đầu thế-kỷ thứ 19 và rất được thịnh-hành vào giữa thế-kỷ đó. Sở-dĩ được như vậy là nhờ công của Hoàng-Tử Albert, chồng Nữ-Hoàng Victoria. Ở Anh, vào thời đó, người ta gọi cây Nô-En là Victorian Tree. Cây Victorian Tree được trang-trí bằng đèn cầy, kẹo, cùng các thứ bánh đặc-biệt treo ở cành cây bằng dây băng (ribbon) hay dây giấy đủ màu.Phong-tục trưng-bầy cây Nô-En vào dịp Giáng-Sinh đã được những người di-dân gốc Đức mang vào Bắc-Mỹ từ đầu thế-kỷ thứ 17. Sau đó cây Nô-En được thịnh-hành nhất vào thế kỷ thứ 19. Cây Nô-En còn thịnh-hành ở Austria, Switzerland, Poland, và Holland trong giai-đoạn này. Ở Trung- Hoa, Nhật-Bản, và Việt-Nam, phong-tục trưng-bày cây Nô-En là do các nhà truyền-giáo Âu-Tây mang vào từ thế-kỷ thứ 19 và 20.
III. Ông Già Nô-En
Từ thủa bắt-đầu, Ông Già Nô-En có tên là “Saint Nicholas.” Theo truyền-thuyết thì Ông Già Nô-En Nicholas có lẽ là một vị Giám-Mục người Hy-Lạp ở vào thế-kỷ thứ 4. Nicholas được nổi-tiếng về lòng tốt của ông. Tuy-nhiên các nhà sử-học không thể xác-quyết sự-kiện về đời sống cũng như sự hiện-hữu của ông. Trong tiếng Anh, Ông Già Nô-En có tên là “Santa Claus.” Tiếng “Santa Clause” được dịch từ tiếng Đức “Sinter Klaes.” Trong tiếng Pháp, Ông Già Nô-En có tên là “Le Père Noel.”Truyện thần-thoại về Ông Già Nô-En kể rằng Santa Claus tặng quà một cách bí-mật cho những người gặp cảnh khó-khăn. Ngoài-ra, Ông Già Nô-En còn có những tên như Nicholas of Bari và Nicholas of Myra. Theo tục-truyền, Ông Già Nô-En được sinh-ra ở hải-cảng cổ Lycia của thành-phố Patara thuộc Tiểu-Á Tế-Á (Asia Minor). Khi còn trẻ, Ông Già Nô-En đi du-lịch đến Palestine và Egypt. Ông trở thành Giám-Mục của thành phố Myra, Lycia, thuộc Tiểu-Á Tế-Á. Ông bị tù trong vụ hành-hạ những người Thiên-Chúa-Giáo thuộc triều-đại Hoàng-Đế La-Mã Diocletian. Sau đó, ông được thả ra vào triều-đại vua Constantine Đại-Đế (Thế-Kỷ Thứ 4) và tham-dự Hội-Đồng Lần Thứ Nhất của Nicaea, Council of Nicaea, vào năm 325 dương-lịch. Nicaea là một thành-phố của Bithynia thuộc Asia Minor. Hội-Đồng Council of Nicaea có mục-đích xác-nhận lòng tin vào Thiên-Chúa và kết-tội chủ-thuyết Arianism, một chủ-thuyết chối bỏ Chúa Jesus.Vào thế-kỷ thứ 6, lăng-tẩm của ông Già Nô-En rất nổi-tiếng ở Myra thuộc Tiểu-Á Tế-Á. Vào năm 1087, những người thủy-thủ và lái-buôn Ý đã cải-táng ngôi mộ của ông và mang di-hài ông về Bari, Ý-Đại-Lợi. Sự cải-táng này đã là một sự-kiện lịch-sử và được người ta làm lễ kỷ-niệm hằng năm vào ngày 9 tháng 5 dương-lịch. Từ đó tiếng-tăm của ông được truyền đi khắp nơi và Bari đã trở nên một trung-tâm hành-hương đông-đảo nhất. Lăng-tẩm của ông được đặt tại Đại Giáo-Đường thuộc South Nicala, Bari, Ý Đại-Lợi .Truyền-thuyết về Ông Già Nô-En càng ngày càng nhiều. Chuyện đầu-tiên được kể về một phép-lạ rất nổi-tiếng là khi ba vị sĩ-quan bị kết-án tử-hình rồi lại được tha sau khi Vua Constantine Đại-Đế nằm mơ thấy Nicholas. Kế đến là những chuyện người ta kể là Ông Già Nô-En đã từng cứu những trẻ em khỏi bao thảm-họa. Lòng ngưỡng-mộ đối với Ông Già Nô-En bành-trướng ra khắp thế- giới. Tên của ông được dùng để đặt tên cho rất nhiều nơi ở các nước. Tên họ của nhiều người cũng bắt nguồn từ tên Nicholas như: Nichols, Nicholson, Colson, và Collins.Ông Già Nô-En đã được chọn làm vị thánh hộ-mệnh của nước Nga, Hy-Lạp, các hội từ- thiện, các công-đoàn, các trẻ em cùng thủy-thủ đã được cứu vớt lên khỏi bờ biển Lycia, và các thành- phố như Fribourg, Switz, và Moscow. Đã có hàng ngàn nhà thờ ở Châu-Âu được xây lên để thờ Ông Già Nô-En, trong đó có một nhà thờ do Hoàng-Đế La-Mã Justinian Đệ-Nhất xây vào thế-kỷ thứ 6 ở đô-thị cổ Constantinople, bây giờ là Istanbul, một thành-phố lớn nhất của Turkey (Thổ-Nhĩ-Kỳ).Các phép-lạ của Ông Già Nô-En đã là đề-tài ưa-thích cho nhiều nghệ-sĩ thời trung-cổ. Ngày hội truyền-thống về Ông Già Nô-En trở thành cơ-hội cho các nghi-lễ của Boy Bishop, một phong-tục phổ-biến của người Âu trong đó một cậu con trai được chọn làm vị Giám-Mục và ở tại chức cho tới ngày Holy Innocents’ Day, tức ngày 28 tháng 12 dương-lịch.Sự biến-đổi Nicholas thành Đức Cha của Lễ Giáng-Sinh (Father Christmas) hay Đức Cha của tháng giêng (Father January) đã xảy-ra lần đầu-tiên ở Đức, rồi đến các quốc-gia trong đó có Reformed Churches chiếm đa-số. Tiếp đến là ở Pháp, ngày hội Ông Già Nô-En được tổ-chức vào dịp Giáng-Sinh và Năm Mới. Những di-dân người Hòa-Lan theo đạo Tin-Lành ở thành-phố New Amsterdam, bây giờ là thành-phố New York City, đã gọi Nicholas là Nhà Ảo-Thuật Nhân-Đạo và sau trở thành Ông Già Nô-En, tức Santa Claus.Ở Hoa-Kỳ và Anh-Quốc, Nicholas là thánh hộ-mệnh của mùa Giáng-Sinh. Theo truyền- thống, Giáng-Sinh là ngày hội của gia-đình và của trẻ con. Người ta trao-đổi quà tặng với nhau trong dịp này. Từ năm 1969, ngày hội Ông Già Nô-En không còn được ghi lên lịch, nhưng việc tổ-chức kỷ- niệm Ông Già Nô-En thì được tùy-nghi tổ-chức theo mỗi nơi.Ngày nay tục-lệ rước Ông Già Nô-En rất thịnh-hành. Tùy theo từng địa-phương, người ta tổ- chức cuộc rước Ông Già Nô-En (Santa Claus Parade) theo các ngày khác nhau ở mỗi thành-phố, thường là vào từ trung-tuần tháng 11 trở đi cho đến giữa tháng 12 dương-lịch. Trong cuộc diễn-hành Ông Già Nô-En này, người ta làm những xe hoa thể-hiện đặc-tính của từng hội-đoàn hay các cơ-sở thương-mại và cũng thể-hiện ý-nghĩa của mùa Giáng-Sinh. Ngoài ra, người ta còn có các ban nhạc diễn-hành đi theo đám rước này để tấu lên các bài hát Giáng-Sinh. Mặc dầu thời-tiết lạnh và tuyết phủ đầy khắp không-gian mà mọi người vẫn tham-dự cuộc vui một cách tưng-bừng và náo-nhiệt.Ở mỗi nhà vào dịp Giáng-Sinh người ta còn mua những đôi vớ hay tất (pair of socks) đỏ treo bên cạnh lò sưởi ngay chỗ ống khói. Họ tin là vào đêm Nô-En, Ông Già Nô-En sẽ cưỡi xe trượt tuyết do bầy hươu có cánh kéo từ trên trời xuống trần-gian để cho ông đem túi quà vào thăm mỗi nhà qua lỗ ống khói và bí-mật bỏ quà vào mỗi chiếc vớ cho trẻ con. Người ta tưởng-tượng ra Ông Già Nô-En với hình-dáng của một ông già béo mập, vui-vẻ, có râu bạc trắng, mặc quần áo màu đỏ, và mang túi quà phát cho trẻ con vào đêm trước ngày Lễ Giáng-Sinh (Christmas Eve).
Phạm Kim Thư
đinhlộc

Thứ Năm, 10 tháng 12, 2009

Góc nhạc trẻ


1.Tình thơ-Tô Hà
2.Con đường đế lớp-B.Trinh
3.Con đường đến trường-CẩmLy
4,Mong ước kỉ niệm xưa-Mỹ Tâm
5.Vào hạ-Nguyên Khang

(*tắt nhạc nền !)

Thứ Hai, 9 tháng 11, 2009

Viết cho 40 năm-TRẦN QUÝ CÁP.


Cũng sân
trường ấy

Sân trường ấy,một thời các anh ,các chị đã đi qua.
Sân trường ấy,chúng tôi một thời đã đi qua.
Cũng bóng phượng,cỏ non,những hàng dương xanh,thầy cô và bạn bè lớp học...
Trong sân trường, các chị-là-những-nàng-thơ,là xúc cảm-để các anh từng sáng từng chiều mộng mơ và trở thành-những-tài-hoa-thuở-ấy.
Trong sân trường,chúng tôi mơ mộng để tạ ơn nhau: Những linh hồn mọc cánh-và những nỗi buồn đã biến thành thơ !
Không ít những thi sĩ đã sinh ra từ sân trường.Rất nhiều người trong thế hệ các anh,chị đã-là-thi-sĩ... Chúng tôi không phải thi sĩ,nhưng cũng đã một thời làm thơ trong sân trường...Rất tiếc trí nhớ của tôi đã mù tăm,như các bạn tôi đã mịt mù dâu bể,tôi không nhớ được thơ của các bạn ,tôi chỉ còn nhớ được tản mạn thơ tôi-những vần thơ rất chi là con nít ...
Tôi lại kể về mình ư? Thật là không nên chút nào. Nhưng tôi sẽ mạnh dạn kể về "cái thời ngây thơ vô tội" ấy, về thuở làm thơ của một cô bé trong sân trường,về một thời dấu yêu mà mọi người chúng ta đều đã có,thế hệ nào cũng đã đi qua...Tôi viết về tôi-của-ngày-xưa như một bất chợt tìm về-tôi nhớ bạn bè-tôi nhớ tôi !
***
Những năm trung học đệ nhất cấp (bây giờ là cấp 2-THCS) tôi không học ở Trần Quý Cáp mà là học sinh của trường Nữ trung học (sau nầy là trường Tiểu học Phù Đổng )-ngôi trường chỉ dành cho con gái học như tên của nó. Ở đây, năm học đầu tiên-lớp đệ thất (lớp 6) tôi đã "sáng tác"những vần thơ lục bát đầu đời :
"Xuân về nắng nhẹ gây mơ
bé ngồi cắn bút làm thơ dại khờ
viết gì bé viết vu vơ
nàng xuân vừa hiện bóng mờ hôm qua
nắng vàng nhuộm thắm muôn hoa
mĩm cười áo đẹp nhất nhà vui ghê
..........................................................."
Là "thơ dại khờ" vậy đó,mà bài "Mùa xuân của bé " ấy đã được đăng vào tờ báo xuân "Áo Trắng" của trường mới là điều vạn hạnh !( không dễ chi được đăng đâu nghe !)Bạn bè tôi phục lăn ,và tụi nó bắt đầu gọi tôi là "Thi sĩ thất 1"(6/1).Hách xi xằng quá đi chớ-nhưng,tôi nhớ rất rõ: con bé tôi ngày xưa ấy-cũng đã biết khiêm nhường !
..Một kỉ niệm khó quên-năm tôi học lớp 7(lục 1)-Cô giáo dạy Sử--cô Hà thị Vân-nổi tiếng "gay go"-dạy lớp chúng tôi.Giờ cô ấy,không tên nào dám chậm chân,vì chỉ cần vào lớp sau...lưng cô -cũng-bị-mời-ra-ngay ! Vậy mà có lần tôi đã dám lơ đãng nhìn theo một cánh chim bay ngoài cửa sổ trong giờ dạy của cô-để cái giọng Huế êm đềm mà mai mỉa cất lên : "Chà ! thi sĩ làm thơ đó hả ?"-Tôi giật mình đỏ bừng đôi má-lớp học -im-lặng-như-tờ ! Thế là ngay sau buổi học hôm ấy,tôi đã viết bằng tất cả cảm xúc :
-"Em ngồi đây nhìn qua khung cửa lớp
lòng bồi hồi mộng theo áng mây bay
lời cô giảng như lời ru của gió
bao vần thơ,bao ý tưởng cuồng quay
-phấn trắng ,bảng đen-mờ dần trước mắt...
cô quay nhìn ...ơ con bé làm thơ ?
giật mình-em-nghe nóng bừng đôi má
bạn bè nhìn-ơi mắc cỡ ghê cơ !
-thôi từ nay.em xin giả từ thơ
vào lớp học chăm chỉ nghe cô giảng
em xin nguyện làm học trò ngoan ngoãn
vào lớp rồi -em chả dám mộng mơ !
(Em-ngoài lớp học )
...Năm học lớp 8 (đệ ngũ)-chúng tôi làm bích báo .Tờ báo "Mây ngàn" của lớp 8/1 chúng tôi dẫn đầu khối 8 với những tác giả...toàn là MÂY :Mây hồng,Mây tím,Mây bạch ngọc...Mây bơ vơ,Mây cô đơn..bài thơ "Em-ngoài cửa lớp "của tôi làm năm lớp 7 cũng được lên khung báo-và dĩ nhiên tôi-cũng-là-mây: Mây lang thang !
Lại giờ sử-vẫn cô giáo năm ngoái dạy chúng tôi-cô Vân vào lớp. Cô nhìn tôi thật lạ-cô cười dễ thương chưa từng...và bằng cái giọng ngọt ngào rất Huế,cô đọc bài thơ của tôi cho cả lớp nghe. Ôi ! tôi ngồi chết sững,mặt cúi gầm,nóng ran...tôi muốn tan biến,muốn chui xuống đất...để tránh những đôi mắt của bạn bè đang dồn vào tôi như thích thú ? như trêu chọc ? dị thiệt ! Nhưng lòng tôi lại rộn lên một niềm vui nho nhỏ-Thì ra cô đã nhận ra "Mây lang thang"chính là con bé "Mộng ngoài lớp học" năm lớp 7-cô vẫn nhớ-và cô đã rất vui khi đọc " tờ kiểm điểm bằng thơ" của tôi .
...Lớp 6 tôi còn làm thơ tặng cô giáo dạy văn-cô Nguyệt đẹp dịu dàng ,giọng nói êm ru ,ngọt ngào...tôi như còn nghe âm vang lời giảng bài trầm ấm của cô...Con gà trống gi,Con mèo mướp...Tôi yêu văn chương cũng từ những bài giảng văn tuyệt vời ấy ! Tôi tập làm thơ 5 chữ để tặng cô Nguyệt :
..........
Em yêu ánh trăng hiền
như yêu tên của cô
cô là trăng-là-Nguyệt
cô là Bụt-là-Tiên
**
Em tập tành làm thơ
những vần thơ vụng dại
ngôn ngữ của loài chim
tặng cô Trăng yêu dấu !
(Cô là ánh trăng )
Bài thơ được tôi cất kĩ như một kỉ niệm về cô .Và mãi tận bây giờ ,hình ảnh Cô Nguyệt vẫn cứ hoài rực sáng trong tôi !
...Những bài thơ lớp 6,7của tôi xưa ngây ngô vậy đó-Lớp 8 những câu thơ bớt vụng về hơn,nhưng vẫn còn mơ làm Công chúa :
" Mắt trong chưa vướng khói buồn
em vô tư với linh hồn cỏ cây
mơ hoài giấc mộng trên mây
lâu đài công chúa em xây tuổi hồng "
(Tuổi hồng)
...Rồi lớp 9-lứa tuổi tập tò làm người lớn và tưởng mình đã lớn.Riêng tôi,tôi sợ làm người lớn,tôi muốn tôi mãi mãi được làm cô bé con :
" Xin khói u buồn đừng vương mắt xanh
cho em hiền ngoan như chim trên cành
cho em hồn nhiên như hoa buổi sớm
hé mãi môi cười -mắt sáng long lanh ! "
...Đã có chút lo sợ trong thơ-nhưng thơ lớp 9 vẫn còn rất trong trẻo,hồn nhiên như những buổi sáng đến trường rộn ràng chân sáo :
" Buổi sáng con đường thơm hoa Sầu đông
cặp sách trên tay em như chim hồng
Nón lá ,áo dài hong vàng nắng lụa
trong mắt em cười -một chút hư không ! "
...Một chút hư không trong mắt chỉ đủ để tôi bắt đầu nghe bâng khuâng vô cớ,chỉ đủ để tôi thấy buồn buồn nhìn theo một áng mây xa !
....(chưa hết !)
20/11/1992
đinhlộc

Thứ Tư, 4 tháng 11, 2009

Cô là ánh trăng--

Cô là ánh trăng
(Kính tặng cô giáo Nguyệt
dạy Văn trường NTH xưa )

Tên cô là ánh trăng
toả sáng khắp mọi miền
toả sàng lòng em nhỏ
cô-là-ánh-trăng-hiền !
**
Ơi cô giáo của em !
cho em nhiều thương mến
cho em nhiều ước mơ
dựng đời em khôn lớn
**
Cô không quản ngày đêm
dạy dỗ em nên người
từng ngày mưa,ngày nắng
tất cả vì chúng em !
**
Cô dạy em học VĂN
cô dạy-em-làm-người
cô vui-em ngoan ngoãn
cô buồn-em biếng lười!
**
Ơi cô giáo của em
cô-là-ánh-trăng-hiền
dịu dàng như lòng mẹ
thắp sáng lòng em thơ
**
Em yêu-ánh-trăng-hiền
như yêu tên của cô
cô là Trăng-là Nguyệt
cô là bụt-là-tiên !
**
Em tập tành làm thơ
những vần thơ vụng dại
ngôn ngữ của loài chim
tặng cô Trăng-yêu-dấu !

lớp 6
đinhlộc

Thứ Hai, 2 tháng 11, 2009

dáng thơ

Dáng thơ

Ngập ngừng vụng dại
tiếng chim khuyên
gót ngọc bâng khuâng
sóng mắt huyền
ong bướm
tung bay vờn cánh mộng
chập chờn
làn tóc rối đưa duyên
***
Hồng thắm bờ môi
ơi dáng thơ !
ta về gom mộng
gió gây mơ
nghe như muôn thuở
khung trời nhớ
hờn dỗi vương
buồn trong mắt thơ !

lớp 9
đinhlộc

Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2009

Phải chăng em buồn !


Phải chăng
em buồn ?

Thánh thiện
như một loài chim nhỏ bé
rong rêu buồn
ngày tháng cũ xanh xao
em trở về
nhìn lá đổ lao xao
tay nâng nhẹ
một đoá hoa rả cánh
giờ xa lắm
ơi ngày xưa thần thánh !
em thẩn thờ
một thoáng-bỗng cô đơn ?
tóc bơ vơ
bay trong nắng dỗi hờn
lòng xao xuyến
nỗi buồn dâng ngút mắt !

lớp 9
đinhlộc

Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2009

Cuội ơi !


Cuội ơi !

Em mơ cùng những vì sao
bay cao-bay vút-tít cao lên trời !
không gian vũ trụ tuyệt vời
thảm đêm lấp lánh rạng ngời ánh trăng
mây đưa em lướt cung hằng
tìm thăm chú cuội,rủ về trần gian
cuội ơi ! bỏ áo mây ngàn
vườn xưa-quê kiểng-xóm làng...chờ mong !

**
Cuội buồn-con mắt mênh mông
gốc đa tình nghĩa-cuội không về làng !

Lớp 9
đinhlộc
(tặng Đinh Hương)

Thứ Ba, 27 tháng 10, 2009

Góc nhạc chọn lọc


Ca khúc PHẠM DUY
với THÁI THANH
----------------------------

*(Tắt nhạc nền !)
Gánh lúa
Nương chiều
Bài ca sao
Quán bên đường
Tình hoài hương
Việt Nam ! V.Nam !
--------------------------------------------------------

Ca khúc TrCSơn
Khánh Ly______

Hạ trắng

Ru ta ngậm ngùi

Nhìn những mùa thu đi

Nắng thuỷ tinh

khói trời mênh mông

mỗi ngày tôi chọn một niềm vui

*( tắt nhạc nền ! )
________________________________________________

Ca khúc trữ tình
với THU-LY-------------

*Một số ca khúc khác

1.Bên cầu biên giới-Kh.Ly
2.Bến xuân-Hà Thanh
3.Đường lên sơn cước-TLan
4.Tiếng đàn tôi-Khánh Ly
5.Những ngày xưa thân ái-TLan

Cóp nhặt :Bài TLV 4 điểm....

Mèo không thể thành... "người bạn sống mãi trong lòng tôi"?Bài văn bị điểm 4 vì coi mèo là... “người bạn”

Bài văn của một học sinh lớp 8, được nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đánh giá “xúc động vì lời lẽ chân thực và giản dị” lại bị cô giáo phê “lạc đề” và cho điểm 4.
Nguyên nhân là do đề bài yêu cầu viết về: “Người bạn ấy sống mãi trong lòng tôi” và cậu bé đã viết về một con mèo.
Chúng tôi xin được đăng toàn bộ nội dung bài văn nói trên để bạn đánh giá:

Con Miu xấu số!
Năm nay bố mẹ cho tôi về ở hẳn nhà bà ngoại và chuyển đến học ở Trường ĐN. Xa trường cũ QM sau 7 năm học, tôi cũng buồn lắm. Nhiều khi ngồi học mà những thằng bạn trong nhóm “G5” cứ hiện lên trong đầu óc tôi.
Tôi nhớ thằng Phương ma lanh, lúc nào cũng ăn mặc gọn ghẽ như người lớn, luôn đầu têu đủ trò, được cái học hành cũng chẳng đến nỗi nào. Cả một mùa hè, cậu ta toàn nói dối xin được tiền bố mẹ đi học bơi ở Công viên Tuổi Trẻ, nhưng chỉ là để đãi bọn tôi ăn kem. Còn thằng Quỳnh hiền lành, nhút nhát, toàn bị đám con gái trong lớp bắt nạt. Thằng Quân học thì lười, mà chỉ mong sinh nhật để bố mẹ tặng quà. Thằng Dụ to xác nhất lớp, tốt bụng, nhưng đầu óc thì u mê, có mấy câu hỏi kiểm tra môn Đạo đức mà học mãi không thuộc… Rồi còn mấy đứa con gái cùng lớp, hay ăn quà, miệng lúc nào cũng bóng nhẫy, nhưng mà cũng tình cảm.
Lần tôi nghịch, vẽ bậy lên áo đứa bạn ngồi bàn trước, bị cô giáo phạt đuổi học một buổi, thế mà chúng nó cũng bày đặt thăm hỏi, thư từ… Mỗi lần tôi buồn, nhớ trường cũ, bạn cũ, bà tôi thường lẩm bẩm như vẫn cầu kinh buổi sáng: “Rồi tất cả sẽ quen dần thôi cháu ạ, cháu sẽ có bạn mới ở Trường ĐN, bạn bè có ai ở bên nhau mãi được đâu…”
Bà tôi nói đúng. Mấy hôm đầu, bài vở ít, chúng tôi còn “chát chít” với nhau. Bây giờ đứa nào cũng phải lo học hành, tôi cũng ít nghĩ tới chúng nó hơn. Cô giáo văn bảo về nhà viết bài “Người bạn ấy sống mãi trong lòng tôi”, tôi cũng chẳng muốn viết riêng về một đứa nào trong đám bạn học cũ cả. Mà chúng nó đều sống nhăn nhở cả đấy. Tự nhiên tôi nhớ đến con mèo xấu số của nhà tôi. Nó đã chết cách đây gần một năm, trong một đêm mùa đông.
Dạo ấy, khu tập thể của chúng tôi không biết lũ chuột từ đâu kéo về mà nhiều thế. Gia đình tôi sống trong một căn hộ trên tầng 4 của một dãy nhà lắp ghép cũ kỹ. Ban ngày, chuột leo trèo trên ống nước, trên sân thượng, ban đêm chúng đuổi cắn nhau chí chóe trên bể treo đựng nước, cả nhà tôi mất ngủ vì chuột. Cuối cùng mẹ tôi quyết định nuôi mèo.
Sợ nhà tôi không biết chăm mèo “mẫu giáo”, bà tôi mang cho toàn mèo nhỡ. Vì không quen được với chủ mới, cả 3 con mèo trước đều chỉ ở nhà tôi được mấy hôm rồi đi mất tăm, mất tích. Chỉ có con mèo thứ tư là ở lại. Tôi nhớ, hôm bà ngoại tôi mang đến, nó chỉ nhỏ bằng nắm tay. Bà tôi bảo đây là giống mèo tam thể, vì nó có ba màu trắng, vàng và đen. Mấy hôm đầu, nó còn nhút nhát, cứ trốn biệt dưới gầm tủ lạnh, tôi phải gọi “miu, miu” mãi nó mới chịu chui ra. Rồi cũng quen, cả nhà tôi gọi nó là con “Miu”.
Nhà tôi có 4 người: bố mẹ tôi, anh trai tôi và tôi. Từ hôm có con Miu, nhà tôi như có thêm một thành viên nữa. Mẹ tôi lại thêm một việc: hàng tuần mua cá cho Miu. Còn tôi nhận nhiệm vụ ngày hai lần dằm nhỏ cá trộn với cơm cho Miu ăn và thay chậu xỉ than hàng ngày. Bố mẹ tôi đi làm, vắng nhà từ sáng đến tối. Anh trai tôi cũng suốt ngày hết học ở trường, lại học ôn thi ở ngoài. Chỉ có tôi với con Miu ở nhà nhiều nhất.
Suốt từ năm tôi học lớp 1 đến lớp 5, ngày nào cũng vậy, hễ nghe tiếng bước chân tôi đi học về là Miu lại chạy ra, miệng kêu “meo, meo”, dụi đầu vào chân tôi, ra cái vẻ nhớ nhung lắm. Những hôm bị điểm kém, sợ bố mẹ mắng, đi học về tôi buồn thiu, con Miu như cũng muốn chia sẻ, cứ quanh quẩn bên tôi. Còn những hôm tôi được cô giáo khen, về nhà với bộ mặt tươi tỉnh, Miu cũng xăng xớn chạy ra, chạy vào, cứ y như là nó cũng được cô cho điểm cao vậy.
Cứ thế suốt 5 năm trời, tôi và con Miu cứ quấn quýt bên nhau. Có hôm hè, nắng nóng như lửa, tôi đi Công viên Lênin, vớt được cả một xâu cá nổi, con Miu được cả tuần no nê. Có hôm vào nửa đêm, con Miu cứ chạy ra, chạy vào, kêu toáng toàng. Cả nhà tôi phải thức dậy. Thì ra Miu vừa lập chiến công, săn được một con chuột nhắt, muốn khoe chiến lợi phẩm.
Tôi nhớ một lần, vào lúc xẩm tối, nghe tiếng mèo hoang ở dưới đất, con Miu đứng trên ban công nhà tôi cũng cất tiếng kêu, nghe não nề khác thường. Rồi nó bỏ nhà đi bụi đời mất cả tuần. Mẹ tôi bảo có lẽ nó đã bị bán cho cửa hàng “tiểu hổ”, nhà mình phải tìm con mèo khác thôi, không thì lũ chuột lại kéo đến. Tôi thì bảo chắc nó chỉ đi đâu mấy hôm, rồi nó lại về.
Và con Miu về thật. Chỉ có mấy ngày xa tôi mà trông nó thiểu não quá chừng. Lông nó xù xì, người nó gầy tong teo, mặt mày ủ rũ ra chừng cũng biết ăn năn, hối lỗi. Tôi phải mang xà phòng kỳ cọ cho nó mất cả buổi, rồi cho ăn bù mấy hôm, Miu mới lấy lại phong độ.
Đợt rét đậm cuối năm ngoái, không hiểu sao, con Miu bỏ ăn suốt cả tuần. Tôi lấy cá trong tủ lạnh, nướng lại trên bếp ga, đặt trước mặt, nó lắc đầu. Tôi lấy sữa Vinamilk đun nóng cho nó uống, nó cũng quay mặt đi. Nó cứ tập tễnh, xiêu vẹo bước đi từng bước khó nhọc, với bộ mặt nhăn nhó đáng thương.
Tôi hiểu là nó đang cầu cứu “Hãy làm cho tôi bớt đau đi”. Tôi thương nó đến phát khóc, gọi 1080 hỏi địa chỉ bệnh viện mèo, nhưng chỉ nhận được câu trả lời: “Cậu bé ơi, mèo là loài vật sống dai lắm, nó ốm vài hôm rồi mai kia nó lại khỏi. Mà đến người ốm đây còn chưa đủ bệnh viện nữa là…”. Tôi cứ sùi sụt ôm lấy nó, còn con Miu thì cứ nằm bất động, đôi mắt nhìn vào xa xăm...
Tôi nhớ như in cái buổi sáng mùa đông đáng ghét ấy. Mẹ tôi bảo con Miu chết rồi. Tôi bật dậy, nhìn con Miu nằm bất động trong cái thùng giấy lót vải rồi òa khóc. Mẹ tôi bỏ nó vào túi nhựa. Tôi bảo để tôi mang nó đi chôn. Mẹ bảo tìm đâu ra chỗ chôn mèo ở cái khu tập thể này, đến mấy cái gốc cây bằng lăng cũng bị rải bê tông hết rồi, không biết có nước nào có nghĩa trang mèo hay không. Rồi mẹ mang nó xuống cái xe rác ở đầu nhà tập thể.
Tôi đã vào lớp 8. Bà tôi lại mang cho nhà tôi con mèo khác, nhưng tôi chẳng bao giờ quên được đôi mắt đờ đẫn của con Miu nhìn tôi trong cái đêm mùa đông năm ngoái với những đợt gió cứ mang hơi lạnh về từ những miền xa lắc, xa lơ...

Một người bạn đã gửi cho nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên bài văn trên với lời nhắn sau:
“Tôi gửi ông bài tập làm văn của con trai tôi, học lớp 8, đề bài cô giáo cho là: “Người bạn ấy sống mãi trong lòng tôi”.
Trước khi làm bài, nó cũng đã hỏi tôi và tôi đã gợi ý cho nó viết về con mèo. Tôi cũng đã cho nó tham khảo bài văn viết về con chó, được người Việt mình truyền tụng như là bài văn hùng biện nhất mọi thời đại!
Cô giáo cho nó điểm 4 với lời phê: “Lạc đề, Người bạn ấy sống mãi trong lòng tôi”, không có phần mở bài”. Cậu con tôi có vẻ buồn. Tôi bảo nó đừng cay cú điểm chác. Nhưng thực sự tôi cũng thấy có lỗi với nó. Mong ông đọc qua và cho tôi lời khuyên. Tôi vẫn nghĩ lẽ ra cô giáo có thể cho nó 5, 6 điểm”.

Theo Bee.net.vn

Thứ Hai, 26 tháng 10, 2009

Tháng bảy


Tháng bảy

Cho em xin làm chim trời tháng bảy
bắt nhịp cầu cho Ngưu Chức sang sông
huyền thoại xưa ru giấc ngủ bềnh bồng
ơi thơ mộng cuộc tình sầu ngây dại !

Cho em xin làm mưa buồn tháng bảy
rơi êm đềm như nước mắt nàng Ngâu
mưa êm êm trong cây lá hanh màu
thu chợt đến xót xa tình Chức nữ

Cho em xin làm mây trời tháng bảy
giăng mơ màng trong đáy mắt nai tơ
và u buồn vào những buổi chiều mơ
vài chiếc lá bay vèo qua khung cửa

Cho em xin trọn khung trời tháng bảy
mùa thu về vàng vọt khói thu vương
thật dịu êm như mái tóc trầm hương
thu huyền ảo chập chùng màu mây trắng !

Lớp 9
đinhlộc

Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2009

Cho bạn bè em -xưa

Lê uyên
(gửi Huỳnh Diệp)
Long lanh giọt nắng mai hồng
Êm êm gió thổi bềnh bồng tóc bay
U sầu đôi mắt sầu mây
Yêu em mơ mộng tay gầy xanh xao
Êm đềm mây ngủ trên cao
Ngoài hiên lá đổ chiêm bao hoang
đường !

Minh tâm
(gửi NguyễntMTâm)
Mai xa rồi bao ngọc ngà yêu mến
In dấu hồng xinh tuổi mộng mười lăm
Ngày tháng đó dịu êm như lá cỏ
Hồn rủ mềm dấu ái đến ngàn năm
Tin yêu xưa xin chôn vào kỉ niệm
Âm hao nào cho thánh thiện lên ngôi
Mắt môi tươi luôn vương nét học trò
(xin thắp sáng nến hồng cho tuổi mới !)

Bách nhẫn
(gửi Phạm B Nhẫn)
Bé ạ,chiều nay sao nhớ thương
Áng mây nào trôi lòng vấn vương
Có sợi tơ trời rơi tóc bé
Hong vàng trong nắng đẹp- hoang đường !
Ngày tháng muộn phiền theo lá bay
Hình như một thoáng gió heo may
Anh nghe đâu đó mùa thu tới
Ngơ ngẩn hồn anh-yêu dấu đầy !

Thi nhân
(gửi chú Nhân)
Lâng lâng mây trắng phiêu bồng
Êm như sợi tóc tơ mềm tuổi mơ
Tim non dịu ngọt hồn thơ
Hiu hiu gió-chút nồng nàn hương bay
Im lìm chiều xuống ngất ngây
Nhìn theo áo lụa dáng gầy thướt tha
Hững hờ chiếc lá rơi-xa
Âm vang nhẹ,lắng,tan vào hư không
Nắng hồng còn chút.Mênh mông !

lớp9
đinhlộc

Thu


Thu !

Lá vàng rơi ngập lối
mùa thu về ươm mơ
ngất ngây ta kết vần thơ
cho hồn bay vút
cơn mơ dật dờ !

Buồn vào thơ
buổi chiều hoang sơ
hàng cây xoả tóc
chơ vơ dáng gầy

Mộng về đây
trời nhiều mây
và ta góp gió heo may

ta gom lá úa
về xây mộng vàng

Hợp rồi tan
mây trắng đi hoang
ta về gót nhỏ
lang thang ngõ sầu
Lớp 9
đinhlộc

Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2009

Góc nhạc ngày xưa của em

HònvọngphuI-II-III-LThương
H.Oanh-D.Khánh hát---------


Khúc ca ngày mùa-LPhương
Hoàng oanh hát----------


Bà mẹ quê-Phạm Duy
Khánh Ly hát--------------

Thứ Tư, 21 tháng 10, 2009

Chiều mơ


Chiều mơ

Chiều nay trời đẹp quá me ơi !
mây trắng bay bay về cuối trời
lá vàng hờn dỗi rơi rơi mãi
lá rơi,cho hồn bé chơi vơi !

Lá rơi,thu đến rồi me há ?
bé ngồi cắn bút tập làm thơ
mĩm cười,me bảo : sao bày vẽ?
bé nũng nịu cười : ghét me ghê !

lớp 7
đinhlộc

Thứ Hai, 19 tháng 10, 2009

Giáo đường chiều mưa


Giáo đường
chiều mưa

Chiều nay
mây tím giăng tơ
gió về lành lạnh
ngẩn ngơ em buồn
mùa thu
tàn tạ mưa tuông
giáo đường vắng lạnh
tiếng chuông im lìm
chắp tay
ước nguyện trong tim
chúa ơi !
xin giúp con tìm niềm vui
ngoài trời mưa
vẫn sụt sùi
giáo đường chìm đắm
ngậm ngùi trong mưa !

lớp 8
đinhlộc