Thứ Sáu, 27 tháng 8, 2010

Mẹ ơi !










Mẹ ơi !

Mẹ ơi thương mẹ
quá chừng !
dẫu mai con lớn
mẹ đừng đi xa !
dẫu mai sau
mẹ tuổi già
còng-lưng-bạc-tóc
mẹ đừng xa con
mẹ nghe !

lớp 9
đinhlộc

Thứ Hai, 23 tháng 8, 2010

Đoc thơ nhớ MẸ











Nguyễn Bính

Lòng mẹ_______

Gái lớn ai không phải lấy chồng
Can gì mà khóc, nín đi không !
Nín đi ! mặc áo ra chào họ
Rõ quí con tôi! Các chị trông !

**
Ương ương dở dở quá đi thôi !
Cô có còn thương đến chúng tôi
Thì đứng lên nào ! lau nước mắt
Mình cô làm bận mấy mươi người.

**
Này áo đồng lầm, quần lĩnh tía
Này gương này lược này hoa tai
Muốn gì tôi sắm cho cô đủ
Nào đã thua ai đã kém ai?

**
Ruộng tôi cày cấy, dâu tôi hái
Nuôi dạy em cô tôi đảm đương
Nhà cửa tôi coi, nợ tôi giả
Tôi còn mạnh chán, khiến cô thương !

**
Đưa con ra đến cửa buồng thôi
Mẹ phải xa con, khổ mấy mươi !
Con ạ ! đêm nay mình mẹ khóc
Đêm đêm mình mẹ lại đưa thoi.

Ng.Bính

Lưu Trọng Lư
Nắng mới_______

Mỗi lần nắng mới hắt bên song
Xao xác gà trưa gáy não nùng
Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng
Chập chờn sống lại những ngày không
**
Tôi nhớ mẹ tôi thuở thiếu thời
Lúc Người còn sống, tôi lên mười
Mỗi người nắng mới reo ngoài nội
Áo đỏ Người đưa trước giậu phơi
**
Hình dáng mẹ tôi chửa xoá mờ
Hãy còn mường tượng lúc vào ra:
Nét cười đen nhánh sau tay áo
Trong ánh trưa hè trước giậu thưa.
L.Tr.Lư

Phùng Quán
Lời mẹ dặn_____

Tôi mồ côi cha năm hai tuổi
Mẹ tôi thương con không lấy chồng
Trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải
Nuôi tôi đến ngày lớn khôn.
**
Hai mươi năm qua tôi vẫn nhớ
Ngày ấy tôi mới lên năm
Có lần tôi nói dối mẹ
Hôm sau tưởng phải ăn đòn.
Nhưng không, mẹ tôi chỉ buồn
Ôm tôi hôn lên mái tóc
- Con ơi trước khi nhắm mắt
Cha con dặn con suốt đời
Phải làm một người chân thật.
- Mẹ ơi, chân thật là gì?
Mẹ tôi hôn lên đôi mắt
Con ơi một người chân thật
Thấy vui muốn cười cứ cười
Thấy buồn muốn khóc là khóc.
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêụ
**
Từ đấy người lớn hỏi tôi:
- Bé ơi, Bé yêu ai nhất?
Nhớ lời mẹ tôi trả lời:
- Bé yêu những người chân thật.
Người lớn nhìn tôi không tin
Cho tôi là con vẹt nhỏ
Nhưng không ! những lời dặn đó
In vào trí óc của tôi
Như trang giấy trắng tuyệt vờị
In lên vết son đỏ chóị
**
Năm nay tôi hai mươi lăm tuổi
Đứa bé mồ côi thành nhà văn
Nhưng lời mẹ dặn thuở lên năm
Vẫn nguyên vẹn màu son chói đỏ.
Người làm xiếc đi dây rất khó
Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn
Đi trọn đời trên con đường chân thật.
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêụ
**
Tôi muốn làm nhà văn chân thật
chân thật trọn đời
Đường mật công danh
không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.
Ph.Quán


Giang Hữu Tuyên
Mẹ ở bên quê_____

Nắng xiên giàn dậu trước nhà
Mẹ che tay ngó mong ra đầu làng
Gió chiều bắt Mẹ ho khan
Con giờ đâu mất biệt ngàn tăm hơi
Nhớ con, Mẹ hái mồng tơi
Nấu nồi canh cũ Mẹ ngồi dầm chan
Giang.H.Tuyên

Trần Trung Đạo
Đổi cả thiên thu
tiếng mẹ cười_____


Nhấc chiếc phone lên bỗng
lặng người
Tiếng ai như tiếng lá thu rơi
Mười năm mẹ nhỉ, mười năm lẻ
Chỉ biết âm thầm thương nhớ thôi
**
Buổi ấy con đi chẳng hẹn thề
Ngựa rừng xưa lạc dấu sơn khê
Mười năm tóc mẹ màu tang trắng
Trắng cả lòng con lúc nghĩ về
**
Mẹ vẫn ngồi đan một nỗi buồn
Bên đời gió tạt với mưa tuôn
Con đi góp lá nghìn phương lại
Ðốt lửa cho đời tan khói sương
**
Tiếng mẹ nghe như tiếng
nghẹn ngào
Tiếng Người hay chỉ tiếng
chiêm bao
Mẹ xa xôi quá làm sao vói
Biết đến bao giờ trông thấy nhau
**
Ðừng khóc mẹ ơi hãy ráng chờ
Ngậm ngùi con sẽ dấu trong thơ
Ðau thương con viết vào trong lá
Hơi ấm con tìm trong giấc mơ
**
Nhấc chiếc phone lên bỗng
lặng người
Giọng buồn hơn cả tiếng mưa rơi
Ví mà tôi đổi thời gian được
Ðổi cả thiên thu tiếng mẹ cười.
Tr.Tr.Đạo

Đỗ Trung Quân
Ca dao va mẹ______

Mẹ ru khúc hát ngày xưa
qua bao nắng sớm chiều mưa vẫn còn
chân trần mẹ lội đầu non
che giông giữ tiếng cười giòn cho ai...
**
Vì ai chân mẹ dẫm gai
vì ai tất tả vì ai dãi dầu
vì ai áo mẹ phai màu
vì ai thao thức bạc đầu vì ai?
**
Lớn từ dạo đó ta đi
chân mây góc biển mấy khi quay về
mẹ ngồi lặng cuối bờ đê
đếm năm tháng đếm ngày về của ta
mai vàng mấy lượt trổ hoa
hàng hiên hanh nắng sương sa mấy lần
đồng xa rồi lại đồng gần
thương con mẹ lội đồng gần đồng xa
**
"Ầu ơ..." tiếng vọng xé tim
lời ru xưa bỗng về tìm cơn mơ
đâu rồi cái tuổi ngày thơ
mẹ ta nay đã mịt mời chân mây
chiều đông giăng kín heo may
tìm đâu cho thấy tháng ngày "ầu ơ..."
Đỗ Tr.Quân

Thứ Sáu, 13 tháng 8, 2010

Cóp nhặt :Bạn của cậu bé đi học bằng tay

Chuyện chưa kể về cậu bé
5 năm cõng bạn đến trường
(Dân trí) -

Mậu sinh ra đã phải chịu thiệt thòi với đôi chân bại liệt, phải đi lại bằng... hai tay. Nhưng Mậu may mắn gặp được người bạn như Chôm - cậu bé có khuôn mặt sáng láng, thông minh suốt 5 năm qua cần mẫn cõng Mậu tới trường.
Đôi bạn có một không hai ở rẻo cao xứ Nghệ
Chúng tôi tìm về bản Xốp Mạt, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, Nghệ An vào một ngày tháng tám. Trong căn nhà nhỏ bên dòng Nậm Nơn, cậu bé Lô Lương Chôm (SN 1998) say sưa chuẩn bị sách vở cho năm học mới. Dù đang trong kỳ nghỉ hè nhưng ngày nào Lô Lương Chôm cũng sang nhà người bạn thiệt thòi Lương Văn Mậu chơi, giúp đỡ mỗi khi Mậu có việc phải đi ra ngoài. 5 năm qua, hình ảnh đôi bạn ấy gắn bó với nhau trên mỗi ngả đường đã quá quen thuộc với người dân nơi đây.
Lương Văn Mậu sinh ra vốn không được may mắn như những đứa trẻ khác. Đôi chân em bị bại liệt từ bé. Em lại mồ côi bố mẹ từ bé nên sống với ông bà ngoại. Bằng nghị lực và sự khổ công, Mậu đã luyện được cách di chuyển bằng tay, nhưng việc đi lại cũng gặp không ít phiền toái và đau đớn. Nhìn các bạn cùng tuổi hàng ngày cắp sách tới trường, Mậu cũng nằng nặc đòi ông bà cho đi học. Thương cháu ông bà cũng cố gắng cho Mậu đến trường nhưng ông bà già yếu, không thể đưa Mậu đi. Và Chôm đã gánh lấy "trách nhiệm" đó.
Hoàn cảnh của Chôm cũng rất đáng thương. Bố Chôm bỏ mẹ con Chôm đi từ lúc Chôm còn bé tí. Mẹ Chôm lại đau yếu suốt. Cuộc sống của 2 mẹ con chỉ biết trông chờ vào quán hàng tạp hóa nhỏ xíu nơi bản cao heo hút này. Sau này hai mẹ con chuyển về sống nhờ trong căn nhà nhỏ của ông bà nội. Đường đến trường của Chôm phải đi qua nhà Mậu.
Mỗi lần thấy Mậu chống hai tay khó nhọc bước đi, đôi chân teo tóp chổng ngược lên trời, chiếc cặp sách mang sau lưng bị dồn xuống cổ,
Chôm lại chạy đến đề nghị được cõng bạn đến trường. Chôm quàng hai chiếc cặp ra trước ngực, ngồi xuống cho Mậu bám vào vai rồi cả hai đến trường. Cứ thế ngày nắng cũng như ngày mưa, Chôm cần mẫn đón và đưa Mậu đi học.
Tình bạn thắm thiết của hai cậu học sinh
Con đường đến trường của đôi bạn này phải vượt qua không ít khó khăn. Đoạn đường đến trường dài đến gần 1km lại lổn nhổn những đất đá, ngày nắng còn đỡ chứ đến ngày mưa đi một mình thôi cũng khó rồi. Thế mà trên lưng Chôm, Mậu chưa từng phải nghỉ học buổi nào. Những hôm tan học, vừa mệt vừa đói, Mậu ái ngại không muốn để Chôm cõng mà đòi tự mình chống tay về nhà nhưng Chôm nhất định không chịu.
Cõng Mậu về đến nhà thì khuôn mặt Chôm cũng đỏ ửng, đầm đìa mồ hôi. Ông Lô Văn Tao - ông nội của Chôm - kể: “Nhiều hôm anh chị họ của Chôm có việc phải đi qua trường nên cho Chôm đi nhờ xe. Đi qua nhà Mậu, Chôm bắt anh chị dừng lại để chở Mậu cùng đi. Có lần chị họ của Chôm đùa: “Chỉ chở Chôm thôi, không chở Mậu đâu”, thằng Chôm nhất định đòi xuống đi bộ để cõng Mậu đến trường”.
Tôi hỏi: Trông em thế này, sao có thể cõng Mậu suốt 5 năm trời được? Chôm cười lộ hàm răng bị gãy mất 2 chiếc: “Mậu gầy nên nhẹ lắm, em có thể cõng bạn ấy đi được”. Nói về bản thân mình, Chôm ngượng, chiếc sẹo nhỏ trên trán đỏ ửng lên. Đó là dấu tích của một lần em bị ngã khi cõng Mậu đến trường. Chôm còn nhớ hôm đó đang cõng Mậu đi qua chiếc cầu treo thì một chiếc xe máy phóng đến. Xe chạy nhanh đâm nhào vào hai cậu bé đang đi trên cầu. Bị húc đau, Chôm ngã xuống nhưng vẫn cố gắng không để Mậu bị đau. Đến khi đứng dậy được thì thấy trong miệng mình có vị mặn chát, máu trên trán chảy xuống tận cằm. Lúc đó Chôm mới biết mình bị gãy mất 2 chiếc răng và bị rách trán. Nhưng Chôm mừng vì Mậu vẫn an toàn.
Cậu bé Chôm không chỉ nhiệt thành giúp đỡ bạn mà còn rất chăm học. Hàng ngày sau giờ tới lớp, Chôm lại sang nhà học bài cùng Mậu. Suốt 5 năm tiểu học, năm nào đôi bạn ấy cũng đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Năm học vừa qua Chôm vinh dự được đi dự Đại hội cháu ngoan Bác Hồ của trường.
Đôi bạn cùng tiến
Năm học mới này, cả Chôm và Mậu đều lên lớp 6. Hành trình đến trường của hai cậu bé sẽ khó khăn hơn nhiều khi trường THCS Lượng Minh lại nằm cheo leo ở lưng chừng đồi. Muốn lên đến trường học sinh phải vượt qua một dãy bậc đá khá dài, đi một mình đã phải vất vả mới lên được, huống hồ trên lưng Chôm còn có Mậu. Vừa rồi, một nhà hảo tâm đã gửi tặng Mậu một chiếc xe lăn để tiện đi lại nhưng ở địa hình miền núi này, chiếc xe lăn hiếm khi phát huy tác dụng. Chôm không ngại, tấm lưng bé nhỏ của Chôm vẫn sẵn sàng song hành cùng Mậu đến trường. Nhìn cái dốc cao ngất, Chôm quả quyết: “Cháu sẽ cố gắng để Mậu không phải nghỉ buổi học nào. Nếu hôm nào mệt quá không cõng được Mậu, cháu sẽ nhờ các bạn khác giúp một tay”.
Nói về tình bạn đẹp và hành trình 5 năm cõng bạn đến trường của Lô Lương Chôm, thầy Lô Văn Hải - Hiệu trưởng trường Tiểu học Lượng Minh - cảm kích: “Hành động của Chôm rất đáng được biểu dương. Tình bạn của Chôm và Mậu đã được nhà trường tuyên dương và lấy làm tấm gương cho các bạn khác trong trường”.
Hoàng Lam - Uyên Ly

Thứ Hai, 9 tháng 8, 2010

Hình như thu


Hình như thu

Một chút mưa về-bay hương xưa ?
vàng như mộng ước nắng giao mùa
bé thấy mắt người chiều rất lạ
nhìn áng mây buồn theo gió đưa !
**
Lờ lửng,mây bay-mây về đâu ?
về phía nào xa khói tím màu
rất nhẹ sương lên mờ -sương khói
đất trời như cũng nhớ thương nhau !

lớp 9
đinhlộc